học để truyền bá ra cho công chúng: sự nhân-sinh nhật-dụng là thuộc về hạ-học, tất phải lấy những điều cương-thường đạo-lý làm chuẩn-đích, lấy việc làm liêm-sỉ làm giới-hạn. Nếu bỏ những điều ấy mà vụ lấy sự phóng-tứ hư-vô, thì làm thế nào mà không thành ra cái học hoang-phiếm được.
Cố Đình-lâm thấy rõ cái lầm ở chỗ ấy, cho nên ông đốc chí ở sáu Kinh lấy làm căn-bản của sự học. Ông tuy không công-kích Trình Chu, nhưng không nhận có cái lý-học độc-lập. Ông nói rằng: « Xưa nay sao lại biệt ra một cái học gọi là lý-học được? Kinh-học tức là lý-học vậy. Từ khi bỏ Kinh-học mà nói lý-học, thì cái tà-thuyết khởi lên. Không biết rằng bỏ Kinh-học đi, thì cái mà gọi là lý-học tức là Thiền-học. » Kinh-học tức là lý-học, đó là lời để làm biểu-hiệu cho học-phái của ông lập ra vậy. Ông lấy cái học theo nghĩa sách trong sáu Kinh để chữa cái học hoang-phiếm của người đương thời.
Cái học của Cố Đình-lâm có ba điều rất đặc-biệt. Một là không mô-phỏng đời trước. Ông nói ở trong sách Nhật-tri-lục rằng: « Người trong đời nhà Minh, hễ làm sách là không có điều gì không cắp nhặt.» Ông cho việc làm sách là việc rất khó. « Hễ đời xưa chưa bàn tới, mà đời sau không thể không có được, thì mới nên làm.» Ông theo cái