bất-biến ấy, tức là giữ cho còn cái « độc », rồi thận trọng ở cái « độc » đó, tức là « thận độc » vậy.
Lê-châu cho là tiên-nho không biết: ý giả tâm chi sở tồn 意 者 心 之 所 存, mà lại nói: ý giả tâm chi sở phát 意 者 心 之 所 發, cho nên mới có sự sai lầm. Ông nói rằng: « Sách Trung-dung nói: trí trung hòa 致 中 和. Chu Hối-am lấy tồn dưỡng làm trí-trung, tỉnh sát làm trí-hòa, tuy trung và hòa cùng đều trí cả, nhưng vẫn chưa khỏi phân động tĩnh ra làm hai đoạn, thành ra cái công-phu có hai cái dụng. Về sau Vương Long-khê theo sự cảm-ứng của nhật-dụng luân-vật để trí cái minh-sát. Âu-dương Nam-dã lấy cảm-ứng biến-hóa làm lương-tri, ấy là trí-hòa mà không trí-trung; Nhiếp Song-giang, La Niệm-am chủ ở sự qui tịch thủ tĩnh, ấy là trí-trung mà không trí-hòa. Các thuyết của chư nho không có cái thuyết nào là không nói: tiền hậu, nội ngoại, hồn-nhiên nhất thể, thế mà hoặc nhiếp cảm để qui tịch, hoặc duyên tịch để khởi cảm, rút lại vẫn có chỗ thiên-lệch, là bởi vì tôn sùng cái thuyết: ý giả tâm chi sở phát. Trí trung thì cho là cái ý không đủ làm bằng cứ, mà phải vượt qua hẳn cái ý; trí hòa thì cho cái động là cái bản-nhiên của ý, mà cố đuổi theo cho được cả trung hòa kiêm trí ở trong ý, thành ra có cái công-phu trước cái ý