Bước tới nội dung

Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/24

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

22
NHO-GIÁO


đau yếu cũng không bỏ. Sau đến thụ nghiệp Kim Lý-tường. Cách mấy tháng Kim Lý-tường bảo rằng: « Kẻ sĩ đi học cũng như năm vị hòa lẫn với nhau. Chất dấm chất muối khi đã gia vào, thì vị chua vị mặn thấy khác. Ngươi đến học ta đã ba tháng mà chẳng khác gì ngày trước, há cái học của ta không đủ cảm phát cho ngươi hay sao? » Ông nghe nói lấy làm sợ hãi, cố sức học tập được phần uyên-áo của thầy.

Kim Lý-tường bảo rằng: « Cái phép học của nhà Nho là cái lẽ chí-thiện chỉ có một, mà cái phải cái trái thì thiên biến vạn hóa. Cái lẽ chí-thiện chẳng lo gì chẳng là một, chỉ khó về cái phần thiên biến vạn hóa đó thôi. Nếu chẳng xét về phần ấy cho thiết-thực, thì chẳng qua là cao đàm hư lý mà thôi. » Kim Lý-tường lại nói: « Cái đạo của thánh-nhân cốt ở đạo trung; trung là không quá và không bất cập. » Ông theo những lời ấy mà cố gắng học tập tự mình được nhiều điều sở đắc. Không có sách nào là ông không đọc, xét đến cùng cực những điều u-vi, tuy những bài tàn văn tiễn ngữ cũng không dám bỏ qua. Xem sách mà có chỗ nào tự mình không suốt được hết ý, không khiên-cưỡng theo lời của tiên nho, hoặc có chỗ nào không yên cũng không cẩu-thả mà theo ý người khác. Ông rất tôn sùng cái học của Chu Hối-am và