qui-thức, không được trái.» Ấy là ông nhất quyết chỉ nhận cái học của Chu-tử là chính-thống.
Ông đã nhất tâm tôn sùng Trình Chu, tất là ông cực lực công-kích Vương Dương-minh. Trong những thư ông viết cho những người đồng chí lúc bấy giờ, ông rất chú-ý về chỗ ấy và ông làm ba bài Học-thuật-biện 學 術 辨, đại lược nói rằng: «Dương-minh-thị xướng lên cái thuyết lương-tri, lấy cái thực của Thiền mà thác cái danh của Nho, gây thành cái lưu-hại không thể nói hết được.» Ông cho cái bệnh của Dương-minh là ở sự nhận tâm làm tính và nhận cái bản-thể của tâm không có thiện không có ác. Ông lại nói ở cuối bài Học-thuật-biện thứ hai rằng: « Kẻ học-giả trong thiên-hạ sở dĩ theo Dương-minh là có hai lẽ. Một là ai học theo cái học ấy thì « túng tứ tự thích 縱 肆 自 適 », không như cái học của Trình Chu phải « lý thằng đạo củ 履 繩 𨂻 矩 » không thể giả tá được. Hai là cái học ấy chuyên lấy tri-giác làm chủ, bảo rằng thân của người ta có sinh tử, mà cái tri-giác không có sinh tử, cho nên coi cả thảy trong thiên-hạ đều là ảo cả, duy có cái tri-giác là thật, bởi vậy kẻ bất hiền vui về cái túng-tứ, mà kẻ hiền-giả lại lo tìm cái vô sinh-tử, vậy nên mới đua nhau mà theo. Hỡi ôi! Sự túng-tứ không thể dễ