sáng rõ được, còn như cái thuyết vô sinh-tử là cái lầm của Thiền-gia vậy. Kẻ học-giả lấy cái luận của Trình Chu về âm dương thân khuất vãng lai mà tiềm tâm thục ngoạn, thì cái lý rõ rệt, sao không học cái học ấy lại học cái lầm kia? »
Đối với cái thuyết sinh tử, thì lời ông nói đó tức là lời của các nho-giả vẫn nói xưa nay. Song trong cái âm-dương thân khuất lại không có cái minh-linh không bao giờ biến đổi hay sao? Bởi ông không thấy rõ cái minh-linh ấy, cho nên ông không hiểu được cái học như của Dương-minh. Vì vậy những lời phán-đoán của ông về cái toàn-thể sự học của Dương-minh, có lắm điều cố-chấp và thiên quá. Xem cái cách nghị-luận của ông thì tỏ ra là ông chỉ nói lấy phải cho ông, chứ không xét đến hết các lẽ. Ông vin lấy câu: « bản-thể của tâm không có thiện không có ác » mà bảo là Thiền-học, nhưng ông không biết rằng đó là chỗ cao của cái học Dương-minh. Phàm cái học nào mà không đạt tới cái lý hình-nhi-thượng trên sự biến hóa sinh tử, là cái học thấp và hẹp. Dương-minh nói không thiện không ác, chính là nói cái bản-thể của cái lý nguyên-thủy vị phát. Khi cái tư-tưởng đã lên đến chỗ cùng tột ấy, thì dù là Nho, là Lão, hay là Phật, bất luận học thuyết nào cũng gặp nhau ở một chỗ đó cả,