từ-chương để cầu danh lợi, làm thành một cái học hư-văn, không có cái thực dụng. Lý-học cũng bởi đó mà suy vậy.
d) TÂN-HỌC-PHÁI
Nhà Thanh từ đời Đạo-quang (1821-1850) trở đi, thế lực mỗi ngày một kém, sự giao-thiệp với nước Anh nước Pháp sinh ra nhiều nỗi khó-khăn, nào việc đốt nha-phiến ở Quảng-đông, nào quân nước Anh và nước Pháp vào đánh Bắc-kinh, nào việc Trung-Nhật chiến tranh, việc gì cũng thất bại, tình thế rất nguy. Lúc ấy có mấy người nho-học như Khang Hữu-Vi, Lương Khải-Siêu mưu việc biến chính, song lại bị đảng thủ-cựu làm hại, phải chạy trốn ra ngoài, làm sách và làm báo-chí cổ động người trong nước bỏ học cũ theo học mới, và sửa đổi việc chính-trị, v. v.. Bọn Khang Lương thật là người gây thành cái tư trào cho sự tân-học của nước Tàu ngày nay vậy.
Khang Hữu-vi.— Khang Hữu-Vi 康 有 爲, tự là Quảng-hạ 廣 夏, hiệu là Trường-tố 長 素, người huyện Nam-hải, dòng dõi nhà lý-học ở đất Quảng-đông. Thuở 19 tuổi, ông theo