hậu, thành ra Tây-hậu lại ra lâm triều, vua Đức-tôn phải cấm cố và đảng duy-tân đều bị giết hại.
Khang Hữu-Vi và Lương Khải-Siêu trốn thoát được, đi du-lịch các nước trong thiên-hạ, rồi làm sách làm báo, để truyền bá cái tư-tưởng mới, đến khi nhà Thanh mất ngôi, Dân-quốc thành lập mới về nước.
Cái học của Khang Hữu-Vi theo cái chủ-nghĩa bác-ái, lấy đạo nhân 仁 làm cái tôn-chỉ duy-nhất. Ông cho là thế-giới sở dĩ đứng được, chúng-sinh sở dĩ sinh nở ra, quốc-gia sở dĩ còn, lễ nghĩa sở dĩ hưng khởi lên, là đều căn-bản ở đạo nhân, cho nên ông bàn việc học hay việc chính, không việc gì là không lấy sự phát cái lòng « bất nhẫn nhân 不 忍 人 » ra làm đầu. Có nhân 仁 mới có ái-lực, có ái-lực cho nên người ta mới thân yêu nhau và mới có lòng cứu quốc, cứu thiên-hạ. Đó là cái yếu-điểm trong cái học của Khang Hữu-Vi vậy.
Sách của ông có ba bộ rất trọng yếu, là: Tân-học ngụy-kinh khảo 新 學 僞 經 考, Khổng-tử cải-chế khảo 孔 子 改 制 考 và Đại đồng thư 大 同 書.
1. Tân-học ngụy-kinh khảo. — Thuở ấy những người thuộc về phái Hán-học cho những Kinh cổ-văn làm chính, rồi cố tìm