phải thi các kinh sử, quan võ thì phải thi võ kinh. Đến đời vua Lê Thánh-tôn (1460-1497) thì sự văn-học ở nước ta cực thịnh. Nhà vua định lệ ba năm một lần thi: mùa thu năm trước thi hương, mùa xuân năm sau thi hội và thi đình. Những người đỗ tiến-sĩ được khắc tên vào bia đá để ở Văn-miếu.
Từ đời nhà Lê về sau, trải qua nhà Mạc, nhà Hậu-Lê trung-hưng và nhà Nguyễn sự nho-học ở Việt-Nam tuy thật là thịnh, nhưng học-giả trong nước thường có cái sở đoản rất lớn, là phần nhiều chỉ học lối khoa-cử, vụ lấy văn-chương để cầu sự đỗ đạt, chứ không có mấy người học đến chỗ uyên-thâm của Nho-giáo, để tìm thấy cái đạo-lý cao-xa, hoặc là để xướng lên cái học-thuyết nào thật có giá trị như các nho-giả bên Tàu. Đó thật là chỗ kém của học-giả nước ta.
Cái học khoa-cử ở nước Việt-Nam truyền mãi đến năm Tây-lịch 1915 ở Bắc-kỳ và 1918 ở Trung-kỳ mới bỏ hẳn. Từ đó, phần thì vì cái hoàn-cảnh bắt buộc, phần thì vì sự sinh-hoạt bức bách, những thiếu-niên trong nước chỉ chăm lo theo Tây-học không ai đoái hoài đến Nho-học nữa. Thậm chí những nhà cựu-học cũng mập-mờ không rõ cái hay cái dở của tân-học và cựu-học là thế nào, đều theo gió mà lả về một mặt. Thành thử sự nho-học càng ngày càng suy, mà cái cơ sinh-tồn