Bước tới nội dung

Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/278

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

276
NHO-GIÁO


phát, chân vận du-dương, là cũng bởi cái thú tự đắc của thính-giả. Nhã hay tục, thuần hay tì, có dự gì đến trúc. Trúc ôi! trúc ôi! cái hữu thủ của ta là ở trúc vậy.» Xem ý bài đề ấy, thì biết Ngô Thế-Lân có cái tư-tưởng uyên bác, và cái chí khí cao kỳ. Ông đem gió và trúc mà hình-dung được sự lưu-hành và sự cảm-ứng của hình và khí, khiến độc-giả nhân đó mà đạt tới cái lẽ huyền-bí của trời đất.

Thuở ấy có người bạn của ông là Nguyễn Mỹ-Cô 阮 美 沽 làm bài tựa quyển sách ấy, nói rằng cái tiếng của muôn vật nhiều vậy. Có thứ bởi phồn-thành mà ra, có thứ bởi nguyên-thanh mà ra. Nguyên-thanh là tiếng trời, phồn-thanh là tiếng người. Tiếng người có tà chính khác nhau, tiếng trời thì không có tà chính khác nhau. Tìm cái chính của thiên-thanh trong nhân-thanh, thì hấp thuần hiệu dịch 翕 純 皦 繹 như tiếng cung 宮, tiếng thương 商, tiết tấu mà sự điều-lý rõ-ràng không loạn. Vui cười giận mắng, cảm xúc với cảnh vật mà thành thơ, tính tình đều được cái chính, ấy là thiên-thanh của người vậy. Còn cái tiếng khóc mà đến đau-đớn, vui sướng mà đến dâm-đãng, như những khúc Bộc-thượng tang-gian, ấy là nhân-thanh của người vậy. Thiên-thanh thác ngụ ở muôn