TỔNG-KẾT
Nho-giáo như đã xét từ đời Xuân-thu đến hết đời nhà Thanh bên Tàu, kể có hai nghìn rưởi năm. Trong khoảng thời-gian ấy Nho-giáo có lúc thịnh lúc suy, nhưng bao giờ cũng có cái tinh-thần rất mạnh để đối phó với thời-cục mà sinh-tồn, mà phát-đạt. Nhờ có cái tinh-thần ấy cho nên cái học-thuật tuy có biến-thiên nhiều lần, nhưng cái đặc tính của Nho-giáo vẫn không mất, mà lúc nào cũng giữ được cái thái-độ rất tôn-nghiêm đủ làm cho người ta tín phục.
Xét về sự biến-thiên của học-thuật, thì từ đời Hán trở đi, ta có thể chia Nho-giáo ra làm hai cái học: Một là cái học nghĩa-lý, hai là cái học từ-chương.
1• Đối với cái học nghĩa-lý, thì sau đời Khổng-tử rồi, Nho-giáo có hai phái lớn, là: phái Mạnh-tử và phái Tuân-tử. Hai phái ấy đều xưng là theo cái học của Khổng-tử, song mỗi phái chủ-trương một cái tôn-chỉ khác nhau. Từ cuối đời Chiến-quốc đến hết đời Tần sang đầu đời Hán, Nho-giáo bị một thời-đại trung suy, rồi từ đời vua Hán Vũ-đế trở đi là càng ngày càng thịnh. Song cái học-