Nho-giáo sở dĩ có cái mãnh lực mà biến-thiên và phát đạt như thế, là bởi có cái học phí nhi ẩn 費 而 隱, rộng mà sâu, thiết-thực mà huyền-bí, và bao giờ cũng theo đạo trung-dung, nghĩa là cái tư-tưởng thì lên đến chỗ cực cao xa, mà sự hành-vi thì vẫn giữ có chừng mực, không thiên lệch về một bên nào, khiến sự nhân-sinh của các hạng người đều được chỗ an vui. Ta nên nhớ lại rằng: cái nghĩa chữ trung-dung của Nho-giáo là cốt giữ cái chừng-mực vừa phải, mà vẫn có cái nghị-lực rất mạnh, chứ không phải trung-dung là ủy-mỹ giả-trá như cách hành-động của bọn hương-nguyện. Vậy muốn biết cho rõ cái học-thuật của Nho-giáo thì phải xét cả phương-diện triết-lý và phương-diện kinh-thế.
Về phương-diện triết-lý, thì Nho-giáo với Lão-giáo và Phật-giáo có cái tư-tưởng đại đồng tiểu dị. Căn-do bởi các học-thuyết ấy đều theo một cái lý đơn-nhất và theo một chủ-nghĩa thiên-địa-vạn-vật-nhất-thể. Vạn-vật đều bởi cái lý đơn-nhất tuyệt-đối mà ra. Lý đơn-nhất ấy gọi là Thái-cực, là Đạo, là Trời, là Tâm, muốn đặt ra tên gì mà gọi cũng được, nhưng chung qui vẫn là một. Lý ấy phát ra bằng hai cái khí tương đối, gọi là âm dương. Âm dương điều-hòa với nhau mà sinh hóa ra vạn vật. Vạn vật bẩm thụ cái lý ấy, cái