phát-minh ra ở nước Tàu. Song Lão thì cứ đứng ở trong cái phạm vi hình-nhi-thượng mà quan-sát thế sự, cho vạn tượng là ảo ảnh, không cần phải lao tâm khổ tứ, chỉ vụ lấy sự thanh-tĩnh vô-vi để cùng vui thú với cuộc biến-đổi tự-nhiên của tạo-hóa, mà ngao-du cho thỏa cái tâm ý của mình, chứ không thiết đến việc đời. Bởi vậy mới thành ra cái chủ-nghĩa yếm-thế và cái thuật tu-luyện của bọn đạo-sĩ. Nho thì cho vạn vật đã sinh ra, là phải theo cái đạo tự-nhiên mà hành-động, ai cũng phải đem cái sở tri, sở năng của mình mà làm sự ích lợi cho nhân chúng, lấy việc thiên-hạ quốc-gia làm cái nghĩa-vụ của mình. Bởi vậy cho nên Nho-giáo rất chú-trọng ở phần hình-nhi-hạ, mà thành ra cái học rất quan-thiết đến việc giáo-dục và việc chính-trị, gọi chung cả là việc kinh-thế.
Về phương-diện giáo-dục, thì Nho-giáo theo cái quan-niệm cho cái tính bản-nhiên của Trời phú cho người ta là chí thiện. Bởi có cái tính ấy cho nên ai sinh ra cũng có sẵn tứ đoan là trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi tức là cái mối đầu của nhân nghĩa lễ trí. Người ta sở-dĩ có điều ác là tại để cái tư-tâm tư-dục che lấp mất tứ đoan ấy. Vậy sự giáo-dục là cốt gây nuôi lấy các thiện-đoan và tài-chế các ác-đoan. Người nào thực-tiễn được