quyển sách gọi là: Dạ-hành-chúc 夜 行 燭, ý nói người ta ở trong lưu tục như người đi đêm, phải lấy quyển sách ấy làm bó đuốc để soi cho sáng.
Cái học của ông không do có thầy truyền, tự ông suy nghĩ lấy mà hiểu rõ cái ý của tạo-hóa. Ông cho trong thiên-hạ không có một vật gì ở ngoài cái tính. Cái lý Thái-cực là tâm, vậy cái động tĩnh của tâm là âm dương, nhật dụng thù tạc là sự biến và hợp của ngũ hành. Ông lấy việc thờ cái tâm làm con đường vào đạo. Cho nên nói rằng: « Sự sự đô ư tâm thượng tố công-phu, thị nhập Khổng môn để đại lộ 事 事 都 於 心 上 做 工 夫,是 入 孔 門 底 大 路: Cái công-phu làm mọi việc đều ở cái tâm mà ra ấy là con đường lớn vào cửa Khổng. »
Ông là người mở ra cái mối tâm-học ở đời nhà Minh, về sau những nhà-tâm học như Trần Hiến-chương, Trạm Nhược-thủy và Vương Thủ-nhân đều chịu cái ảnh-hưởng ấy cả,
Đại-để, bọn Tống Liêm, Phương Hiếu-nhụ và Tào Đoan đều là người gây thành cái tiên thanh cho những học-phái ở thời-kỳ thứ hai vậy.