nhận hai chữ tồn tâm, hay theo về Thiền học, muốn bỏ hẳn sự tư lự để cầu lấy tĩnh; chứ không biết rằng thánh hiền chỉ răn cẩn-thận lo sợ để không có sự nghĩ bậy. Như thế, không cầu tĩnh mà chưa tầng đã không tĩnh. Bởi sự ngộ-nhận ấy cho nên kẻ học thấp thì đắm vào chỗ công lợi, kẻ học cao thì phóng túng ở chỗ hư-không, thành ra có hai cái vạ: một là cái sở-kiến không thật; hai là cái công-phu gián đoạn. » Ông bèn làm bài Tiến-học-châm rằng: « Thành kính ký lập, bản tâm tự tồn, lực hành ký cửu, toàn-thể giai nhân, cử nhi thố chi, gia tề quốc trị, thánh nhân năng sự tất hỹ 誠 敬 旣 立,本 心 自 存,力 行 旣 久,全 體 皆 仁,舉 而 措 之,家 齊 國 治,聖 人 能 事 畢 矣: Thành kính đã lập, cái bản tâm tự còn, cố sức làm đã lâu, thì toàn thể đều là nhân, đem ra mà thi-thố ở đời, thì nhà tề nước trị, việc hay của thánh-nhân hết vậy. »
Ông với Trần Hiến-chương cùng theo học Ngô Dữ-bật, nhưng ông theo cái học-thuyết của Trình Chu, mà Trần Hiến-chương thì theo cái học-thuyết của Lục Tượng-sơn. Cho nên ông chê cái học của Hiến-chương rằng: « Cái học của Hiến-Chương gần với thiền ngộ, thành ra hào phóng. Lối ấy đã thành, thì cái hại không nhỏ vậy. »
Hồ Cư-nhân cứ ở chỗ ẩn mà lo sửa mình, chung thân không ra làm quan, người ta cho