BẠCH-SA-PHÁI
Cùng một cái học của Ngô Dữ-bật mà rồi về sau chia ra làm hai chi-phái: Một phái của Hồ Cư-nhân và một phái của Trần Hiến-chương. Phái của Hồ Cư-nhân thì theo cái học của Trình Chu, mà phái của Trần Hiến-chương thì đi riêng về mặt tâm-học. Cái học đời nhà Minh đến Trần Hiến-chương mới vào chỗ tinh vi, và đến Vương Thủ-nhân mới thành ra lớn và rộng vậy.
Trần Hiến-chương.— Trần Hiến-chương 陳 獻 章, tự là Công-phủ 公 甫, hiệu là Thạch-trai 石 齋 (1428-1500), người làng Bạch-sa, đất Tân-hội, tỉnh Quảng-đông. Hậu nho lấy tên làng ông mà gọi là Bạch-sa tiên-sinh 白 沙 先 生. Ông đỗ phó-bảng rồi sau về theo học Ngô Dữ-bật, bỏ lối khoa-cử. Ông về làm nhà gọi là Dương-xuân-đài, ngồi tĩnh tọa trong cái nhà ấy đến mấy năm không ra đến ngoài. Sau ông lại vào Kinh học ở nhà Thái-học, nổi tiếng là chân nho lại ra đời. Lúc ông trở về, học-trò đến học đông hơn trước. Các qnan nghe tiếng, dâng ông lên triều-đình, ông nhận làm chức Hàn-lâm kiểm-thảo được ít lâu rồi xin về.