Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/72

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

70
NHO-GIÁO


chỗ nhập đạo, Đó là việc của ông đảm nhận trong khoảng hơn 20 năm về sau, dù trong khi phải lo việc đánh dẹp, hoặc phải chống giữ với những kẻ gian nịnh dèm pha, lắm lúc rất là nguy hiểm, mà không lúc nào ông thôi việc giảng dạy.

Trước khi bàn đến cái học-thuyết và sự giảng dạy của Dương-minh, ta nên biết rằng cái học của ông tuy có nhiều cái đặc-kiến về đường tâm-học, nhưng vẫn là ở trong cái phạm-vi lý-học của Tống-nho. Ông nhân lý-học mà suy nghĩ đến chỗ uyên-áo của đạo thánh hiền. Ông vẫn phục Trình Y-xuyên và Chu Hối-am là người rất có công với đạo học, song ông rất tôn sùng Chu Liêm-khê, Trình Minh-đạo và Lục Tượng-sơn. Ông cho cái học của Chu Hối-am tuy có phần tinh-vi nhưng vì cái học ấy cốt tìm lý ở ngoài tâm, cho nên thành ra chi-ly, không bằng cái học của Lục Tượng-sơn chủ ở cái lý nhất quán trong tâm người ta. Bởi vậy các học-giả cho cái học của ông cùng với cái học của Lục Tượng-sơn là một mối. Cái phần đặc-biệt của ông là cái thuyết tri hành hợp-nhất và cái thuyết trí lương-tri. Hai cái thuyết ấy đều căn-bản ở sự tâm-học. Ông cho sự học cần phải có sự thực-hành. Biết ở trong ý và làm ra ở việc vẫn là một. Song sự biết và sự làm vẫn chú trọng ở cái tâm; ngoài cái tâm ra