làm cho sáng cái tâm. Kẻ học-giả chỉ lo cái tâm chưa sáng. chứ không lo không biết hết những sự biến đổi của vật. Người ta lập chí dụng công ở sự học cũng như sự trồng cây vậy. Cây lúc đầu chỉ có mầm chưa có thân, hoặc có thân chưa có cành. Khi có cành rồi mới có lá, có lá rồi mới có hoa, có quả. Lúc đầu mới trồng cây, ta chỉ chăm lo sự tài-bồi bón tưới, đừng tưởng đến cành lá hoa quả vội. Hễ cây tốt thì tự khắc có cành lá hoa quả, chỉ lo bỏ quên mất cái công tài-bồi mà thôi. Sự tài-bồi việc học là sự làm cho sáng cái tâm. Tâm như nước, có dơ bẩn lẫn vào, thì nước đục; hoặc như cái gương, có bụi bám vào thì gương mờ. Cái bẩn cái bụi ấy, là cái tư-dục của người ta. «Sự học của người quân-tử là làm cho sáng cái tâm. Cái tâm vốn không tối, chỉ vì cái tư-dục che đi, cái tập-tục làm hại, cho nên hễ bỏ được cái che và cái hại, thì tâm lại sáng, chứ không phải là được ở ngoài cái tâm vậy.» (Văn-lục, IV). Sự học như người tập bắn. Bắn thì phải có cái đích. Cái đích của sự học là cái tâm. Vậy nên sự học của người ta là chỉ cầu ở cái tâm mà thôi. «Quân-tử chi học, cầu dĩ đắc chi ư kỳ tâm 君 子 之 學 求 以 得 之 於 其 心: Cái học của quân-tử là cầu lấy được ở cái tâm.» (Văn-lục, IV).
Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/84
Giao diện