Có cái tâm để làm cốt, thì học bao nhiêu cũng không rối, mà bao giờ cũng hợp cái lý nhất-quán. Bởi vậy mới nói rằng: «Đức có cái gốc, mà học có cái cốt-yếu. Không do ở cái gốc mà phiếm-nhiên tòng sự, thì cao lên là hư-vô, thấp xuống là chi-ly, chung qui thành ra lưu-đãng. mất mất cái tôn-chỉ, nhọc mà không có cái sở đắc vậy,» (Văn-lục, IV).
Có cái tâm-học, thì cứ theo cái chiêu minh linh giác 昭 明 靈 覺 của tâm mà hành động, chứ không câu-nệ gì cả. Dương-minh thường nói rằng: «Học là quí cái được ở tâm; tìm ở tâm mà không phải, thì dẫu lời của Khổng-tử nói ra, không dám lấy làm phải: tìm ở tâm mà phải, thì dẫu lời của kẻ tầm thường nói ra, không dám lấy làm trái.» (Ngữ-lục, II). Sự học đã chủ ở tâm như thế, thì rất là ung-dung hoằng-đại, không câu-nệ điều gì, và không cố-chấp học-thuyết nào, hễ có điều phải là theo. Có người hỏi rằng: «Đạo Nho và đạo Phật khác nhau thế nào?» — Dương-minh nói rằng: «Không nên tìm cái đồng cái dị của đạo Nho đạo Phật, tìm cái phải mà học là được vậy,» — «Thế thì phải với trái biện biệt ra làm sao?» — «Tìm ở cái tâm mà yên là phải.» (Văn-lục. IV).
Thuở ấy có người cho cái tâm-học của Dương-minh giống như Thiền-học bên Phật. Ông sợ người ta hiểu lầm ở chỗ ấy, cho nên