Trang:Nho giao 1.pdf/117

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

121
NHO-GIÁO


khiến được người. » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). Cứ theo ý nghĩa mấy câu ấy, thì nhân là nói sự hành động của người ta phải hợp thiên lý chí công và bỏ hết cái tư tâm tư ý, khiến cho đối với người cũng như đối với mình, lúc nào cũng kính-cẩn và thân-ái như một vậy.

Song đó mới là cái dụng của nhân mà thôi. Nhân còn có cái nghĩa khác rộng hơn nữa, như Khổng-tử nói rằng: « Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh 知 者 樂 水[1],仁 者 樂 山[2],知 者 動,


  1. Thiên Khuyến-học trong sách Lễ-ký của Đại-Đái chép rằng: « Tử-Cống hỏi: Quân-tử thấy nước ở sông lớn thì xem là tại sao? — Khổng-tử nói rằng: Nước là quân-tử ví như đức vậy. Cho khắp cả mà không tư, giống như đức; đến đâu thì đó sống, không đến đâu thì đó chết, giống như nhân; trôi chảy xuống chỗ thấp, chảy thẳng, chảy quanh, đều theo lý, giống như nghĩa; ở trên cao trăm trượng chảy xuống khe mà không ngần-ngại, giống như dũng; chỗ cạn thì lưu hành, chỗ sâu thì không lường được, giống như trí; yếu-ớt, mờ nhỏ, mà đâu cũng thấm đến được, giống như sát (soi xét tinh tường); chịu các cái xấu, không từ chối cái nào, giống như bao khỏa thật (bao dung cả mọi vật); cái gì không sạch mà vào nước, thì không mấy cái ra mà không tinh khiết, giống như thiện hóa; đọng thì bằng phẳng, giống như chính; đầy thì không phải gat, giống như có độ; đi chiết khúc bao giờ cũng chảy về đằng đông, giống như có ý. Vậy nên quân-tử thấy nước ở sông lớn thì xem. »
  2. Sách Thượng-thư đại-truyện chép rằng: « Tử-Trương hỏi rằng: Bậc nhân-giả sao mà thích núi? — Khổng-tử nói rằng: Núi cao ngất! núi cao ngất! mà thích, là ở trên núi có cỏ cây sinh ra, có chim muông nảy-nở ra, có của-cải nhiều. Của cải sinh ra mà không để riêng tây, bốn phương đều đến lấy, mà không cho riêng ai. Mây gió ở đó mà ra để làm cho khoang trời đất thông với nhau, âm dương hòa hợp với nhau. Cái ân trạch vũ lộ, muôn vật nhờ đó mà thành, trăm họ nhờ đó mà có ăn. Ấy thế cho nên bậc nhân-giả thích núi vậy. »