Trang:Nho giao 1.pdf/123

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

127
NHO-GIÁO


hòa và có bình-hành, thích-hợp với thiên-lý lưu-hành tự-nhiên vậy.

Thiên-mệnh. — Nho-giáo đã tin có Trời làm chủ-tể cả vũ-trụ, thì tất là nhận có cái ý-chí rất mạnh để khiến sự biến-hóa ở trong thế-gian cho hợp lẽ điều-hòa. Cái ý-chí ấy gọi là thiên-mệnh 天 命 hay là đế-mệnh 帝 命. Cổ nhân dùng chữ thiên 天 để chỉ cái ý to lớn cao xa, bao-bọc, che-chở, và dùng chữ đế 帝 để chỉ cái ý làm chủ-tể cả muôn vật. Nói thiên-mệnh hay đế-mệnh tức là nói cái ý-chí của Trời vậy.

Nhưng ta phải biết rằng cái quan-niệm của Khổng-tử về Trời hay Thượng-đế không giống như cái quan-niệm của phần nhiều người thường tưởng-tượng Trời hay Thượng-đế là một đấng có hình-dáng, có tình-cảm, có tư-dục như người ta. Trời hay Đế chỉ là cái Lý vô hình, rất linh-diệu, rất cường-kiện, mà khi đã định sự biến-động ra thế nào, thì dẫu làm sao cũng không cưỡng lại được.

Khổng-tử tin có Trời như thế, và có thiên-mệnh cho nên Ngài nói rằng: « Bất tri mệnh vô dĩ vi quân-tử giã 不 知 命 無 以 爲 君 子 也: Không biết mệnh Trời thì không lấy gì làm quân-tử. » (Luận-ngữ: Nghiêu-viết, XX). Những công việc người ta ở đời thành hay bại, thế cục thịnh hay suy, đều do ở thiên-