Trang:Nho giao 1.pdf/129

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

133
NHO-GIÁO


thờ phụng. Thiên Thái-giáp hạ trong kinh Thư nói rằng: « Duy thiên vô thân, khắc kính duy thân..... quỉ-thần vô thường hưởng, hưởng vu khắc thành 惟 天 無 親,克 敬 惟 親..... 鬼 神 無 常 享,享 于 克 誠: Trời không thân với ai, chỉ thân với người hay kính.... quỉ-thần không thường chứng-giám cho ai, chỉ chứng-giám cho kẻ hay thành. » Vậy chỉ có kính và thành mới cảm-động đến Trời và quỉ-thần được.

Người ta sở dĩ biết có nhân nghĩa lễ trí là nhờ cái tính của Trời phú cho, vậy nên ta phải thờ Trời. Nhưng thờ Trời thì chỉ có cái cách lấy cái ý chân-thực và cái lòng kính-cẩn mà giữ lúc động, lúc tĩnh, lúc chuyện trò hay lúc ngồi im lặng, không lúc nào được khinh nhờn. Ấy là cách phụng-sự rất chính, rất phải. Bởi thế cho nên Khổng-giáo lấy chữ kính 敬 làm quan-trọng lắm. Những lễ nghi của thánh-nhân đời trước đặt ra mà có ý nghĩa, là cũng vì có chữ kính. Nếu không có kính thì chỉ là cái hư văn rất phiền-toái mà thôi.

Khổng-tử nói rằng: « Quân-tử úy thiên mệnh 君 子 畏 天 命: Người quân-tử sợ mệnh Trời. » (Luận-ngữ: Quí-thị, XVI). Ta có sợ Trời, có giữ lòng kính-cẩn thì mới giữ được bụng ngay chính, để làm những điều nhân nghĩa hiếu đễ. Nếu trong lòng mà không