Trang:Nho giao 1.pdf/139

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

143
NHO-GIÁO


chỉ theo một cái lý nhất-thể ấy mà thôi, cho nên ngài nói rằng: « Ngô đạo nhất dĩ quán chi 吾 道 一 以 貫 之: Đạo của ta suốt từ đầu chí cuối chỉ có một mà thôi. » (Luận-ngữ: Lý-nhân, IV). Câu ấy nói tóm hết cái đạo của Ngài, mà làm cho cái thống-hệ nhất-thể rất sáng rõ. Đạo nhất-quán ấy, gọi là trung thứ hay là nhân nghĩa cũng là do đạo nhân mà ra cả. Có nhân là hiểu rõ và theo đúng cái thiên-lý thuần-nhiên quán thông từ sự tư-tưởng đến sự hành-vi, không có cái gì là không hợp với đạo nhất-thể.

Trời phú tính cho người ta, tất là đã cho ta có cái đức sáng để hiểu: hiếu, đễ, từ v. v. Ta cố làm cho sáng cái đức sáng của ta để đối với người, với vật, cho đến chí-thiện mới thôi. Chí-thiện là cái cực-điểm của đạo nhất-thể. Học-giả phải theo cái bản-tính thuần nhất của Trời phú cho mà sửa đạo và lập giáo. Vậy nên sách Trung-dung nói rằng: « Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo. Đạo giã giả, bất khả tu du ly giã; khả ly phi đạo giã 天 命 之 謂 性,率 性 之 謂 道,修 道 之 謂 教,道 也 者 不 可 須 臾 離 也,可 離 非 道 也: Trời phú cho gọi là tính, theo tính gọi là đạo, sửa đạo gọi là giáo. Đã là đạo thì không giây phút nào xa lìa ra được, nếu xa lìa ra được thì không phải là đạo. »