Trang:Nho giao 1.pdf/142

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

146
NHO-GIÁO


năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân 人 能 弘 道,非 道 弘 人: Người có thể mở rộng đạo, đạo không thể mở rộng người. » (Luận-ngữ: Vệ Linh-công, XV). Người thì có cái biết, mà đạo-thể thì vô-vi; nhờ có cái biết cho nên người mới làm cho đạo rộng lớn ra, chứ đạo tự nó không làm cho người rộng lớn ra được. Bởi chưng đạo lập thành cái cùng-cực của người, mà người là cái khí-cụ của đạo, cho nên đạo và người không lìa bỏ nhau được. Người phải dụng lực đem cái đạo-thể ở trong mình mình làm cho sáng rõ ra. Nếu người mà không dụng lực, cứ muốn để cái đạo tự-nhiên làm cho người ta lên đến chỗ cao-minh, quảng-đại, thì không có bao giờ. Điều ấy ta nên nhớ mà cố gắng hết sức trong sự học tập vậy.

Khổng-tử theo cái lý-tưởng cho thiên-lý lưu-hành bất-tức, cho nên cái học của Ngài không nhận cái gì là nhất-định và không cố-chấp điều gì cả. Sách Luận-ngữ chép rằng: « Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã 子 絕 四:毋 意,毋 必,毋 固,毋 我: Khổng-tử tuyệt không có bốn điều là: không có ý riêng tư, không đoán phỏng chắc trước, không cố-chấp, không vị mình. » (Tử-hãn IX). Sách Luận-ngữ lại chép rằng: « Khi bàn đến các cái đức-tính của những người hiền đời trước, như bọn ông Bá-Di, Thúc-Tề, Liễu Hạ-Huệ v. v.,