Trang:Nho giao 1.pdf/199

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

203
NHO-GIÁO


chất tự bậc trung trở xuống, thì không có thể nói những điều cao-xa. » (Luận-ngữ: Ung-giã, VI).

Vậy nên trong cái học của Khổng-tử có hai phần: một phần công-truyền và một phần tâm-truyền: Phần công-truyền nói về luân-thường đạo-lý để dạy cho mọi người; phần tâm-truyền nói về những sự cao-xa khó-hiểu để riêng cho những người có tư-chất đặc-biệt, tự mình phải học mà lĩnh-hội lấy, chứ không phải giảng rõ ra nhiều lời. Ngài bảo thầy Tử-Cống rằng: « Dư dục vô ngôn 予 欲 無 言: Ta muốn không nói ». — Thầy Tử-Cống thưa rằng: « Tử như bất ngôn, tắc tiểu-tử hà thuật yên 子 如 不 言,則 小 子 何 述 焉: Nếu Phu-tử không nói thì đệ-tử biết noi theo vào đâu? » — Ngài nói rằng: « Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bạch vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai! 天 何 言 哉!四 時 行 焉,百 物 生 焉.天 何 言 哉!Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh nở. Trời có nói gì đâu! » (Luận-ngữ: Dương-Hóa, XVII). Cái đạo của thiên-hạ có điều nói mà sáng rõ ra, có điều nói nhiều mà lại mờ tối đi. Song thiên lý tự lưu-hành mà sinh-hóa, người biết suy-xét thì há lại phải đợi nói mới biết hay sao? Người nào đã không thể biết được, thì càng nói lắm, lại càng làm cho người ta không