Trang:Nho giao 1.pdf/212

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

216
NHO-GIÁO


nổi mà sai lầm. Cũng vì nhiều người không hiểu cái thâm ý chữ hiếu là cái mối đầu sự tác-dụng của đạo nhân, cho nên cứ câu-nệ về cái hình-thức bề ngoài, bày ra những cách phiền-toái, làm mất cả cái tinh-thần giản-dị, thành-thực. Đó là cái lỗi tại những người đời sau, chứ cứ theo cái đạo của Khổng-tử, thì có điều gì là điều không hay? Đạo của Ngài là đạo trung-dung, phải tùy thời, tùy cảnh-ngộ mà biến-đổi, chủ lấy sự thích-hợp với đạo nhân làm cốt. Việc hiếu cũng như mọi việc khác, vụ lấy lòng thành-thực và cung-kính, còn những điều vụn-vặt không hợp thời, hợp cảnh, thì bỏ đi, có ngại gì? Có biết theo thời mà biến-đổi, để giữ lấy được cái trung, thì mới thật là người nho-học.

Nhưng học cho biết cái lẽ phải trái, biết lẽ điều-hòa trong sự hành-vi của người ta, thì phải biết lễ nhạc, vì lễ nhạc là phần luân-lý thực-hành của Nho-giáo, cốt để bồi dưỡng cái tâm của người ta cho khỏi nghiêng-lệch. Lễ nhạc cũng như hiếu đễ, quan-hệ với nhau mật-thiết lắm, cho nên lễ nhạc là một phần rất trọng-yếu trong sự giáo-hóa của Nho-giáo.