Trang:Nho giao 1.pdf/30

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

34
NHO-GIÁO


cảm tương ứng với nhau. Nhưng người ta bao giờ cũng có cái tư-cách đặc-biệt để tự cường tự kiện mà hiểu biết, mà hành-động cho đến chí-thành, chí-thiện. Những người tu-dưỡng đến bậc chí-thành, tức là những người giữ được cái bản-tính của mình thuần-túy như của Trời phú cho, thì có thể giúp được việc hóa-dục của Trời. Sự sống chết chỉ là việc biến-hóa tự-nhiên của trời đất. Chết là hư-hỏng cái hình-hài mà thôi, còn cái tinh-thần vẫn không mất, và vẫn giữ được cái tính-cách riêng của mình mà lưu-hành, mà tiến-hóa. Những người đã tu đến bậc nhân, bậc thành, thì sau khi chết rồi lên ở trên Trời, như trong kinh Thi nói rằng: « Tam hậu tại thiên » hay là « Văn-vương trắc giáng tại Đế tả hữu ». Chính là cái nghĩa cho tinh-thần người ta không bao giờ mất vậy.

Nho-giáo tuy không nói rõ, song xét kỹ ra thì hình như cho là hễ người ta mà ai cố gắng tu-dưỡng, thì cái tinh-thần lên đến Trời, mà không thì cứ chìm đắm ở chỗ vật-chất, không thoát ly ra được. Thiết tưởng đó là cái vi-chỉ của Nho-giáo nói ở chương XX, XXI và XXII trong sách Trung-dung là sách nói về cái triết-học rất cao của Nho-giáo.

Về cái quan-niệm trọng thực-nghiệm, thì Nho-giáo vốn có cái tôn-chỉ chú-trọng về