Trang:Nho giao 1.pdf/37

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

41
NHO-GIÁO


vụn-vặt, thì không phải là tôn-chỉ của Nho-giáo, đó chẳng qua là về sau những người nho-học hiểu lầm cái tôn-chỉ ấy cho nên mới bó-buộc mình vào những lễ nghi chật hẹp, làm cho sai lạc mất cái tinh-thần thuần-túy của Nho-giáo. Kỳ thực là những điều nhân nghĩa lễ nhạc có cái ý nghĩa rất sâu-xa rất rộng-rãi, ai đã theo được con đường ấy mà đi, là không có điều gì là câu-thúc khó chịu cả. Xét ra cho kỹ, Nho-giáo trọng những điều nhân nghĩa lễ nhạc, chính là một việc rất quan-hệ về đường tâm-lý học. Đã hay rằng việc sinh hóa do ở thiên-lý, nhưng người ta ai cũng có tư-dục. Nếu không có cái gì giữ cái tư-dục cho có chừng mực, và khiến người ta biết theo đường thẳng mà đi, thì rồi dần dần cái tư-dục mạnh lên, đem ta đi vào những đường quanh-co, lâu thành ra không biết đường nào là phải mà đi nữa. Bởi thế thánh-nhân mới định rõ thế nào là nhân, thế nào là nghĩa. Nhân là để cho được yên và vui, nghĩa là để cho biết điều trung-chính mà làm. Lại định ra lễ, để gây thành những tình-cảm tốt, để tài-chế sự hành-vi của người ta và để phân ra trật-tự cho phân-minh, không có điều gì hồ-đồ rối loạn; chế ra nhạc để khiến trên dưới điều-hòa mà cùng nhau hành-động cho thích-hợp với cái đạo thái-hòa của trời đất. Nhân nghĩa lễ nhạc