Trang:Nho giao 1.pdf/97

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

101
NHO-GIÁO


là một bậc thượng-trí, Ngài nghĩ-ngợi mà suy xét mọi việc rồi phát-minh ra cái học-thuyết, chủ lấy sự theo thiên lý làm căn-bản. Ngài cho là trời đất và vạn vật đều có cái lý ấy cả, tất là cùng đồng một thể, cho nên Ngài mới lấy cái chủ-nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể làm thống-hệ cho cái học-thuyết của mình. Cái lý nhất-thể ấy lưu-hành khắp trong vũ-trụ, theo cái lẽ tương đối, tương điều-hòa mà sinh sinh hóa hóa. Vậy cái lý ấy là cái nguyên-nhân của sự sinh-hóa trong vũ-trụ.

Thoạt đầu tiên vũ-trụ ra thế nào? Cứ như những ý-tưởng của người đời xưa, thì lúc đầu vũ-trụ chỉ là một khối mờ-mịt hộn-độn, tức là đời hộn-mang. Trong cuộc hộn-mang ấy có cái lý vô-hình, rất linh-diệu, rất cường-kiện, gọi là Thái-cực. Song Thái-cực huyền-bí vô cùng, không thể biết được cái bản-thể của lý ấy là thế nào. Ta tuy không thể biết được rõ cái chân tính và cái chân tướng của lý ấy, song ta có thể xem sự biến-hóa của vạn vật mà biết được cái động-thể của lý ấy. Cái động-thể của lý ấy phát hiện ra bởi hai cái thể khác nhau là động và tĩnh. Động là dương, tĩnh là âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra âm, âm lên đến cực độ lại biến ra dương, hai thể ấy cứ theo liền nhau, rồi tương đối, tương điều-hòa với nhau để biến hóa mà sinh ra trời đất và vạn vật.