Trang:Nho giao 1.pdf/98

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

102
NHO-GIÁO


Vậy cái khởi-điểm của tạo-hóa là do hai cái tương-đối âmdương, mà đạo trời đất cũng khởi đầu bởi sự biến hóa của hai cái tương-đối ấy. Trước hai cái tương-đối ấy, thì dẫu có gì cũng như không, vì không sao mà biết được. Khi hai cái tương-đối ấy đã phát-hiện ra, thì cái gì cũng hiển-nhiên, không thể nói là không có được.

Đó là cái lý-tưởng cốt-yếu ở trong kinh Dịch, cho nên mới nói rằng: « Dịch hữu Thái-cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái 易 有 太 極,是 生 兩 儀,兩 儀 生 四 象,四 象 生 八 卦: Đạo Dịch có Thái-cực, Thái-cực sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra bốn tượng, bốn tượng sinh ra tám quẻ. » (Dịch: Hệ-từ thượng). Khổng-tử tin có lý Thái-cực độc-nhất, tuyệt-đối, nhưng vì lý ấy cao diệu quá, không thể biết được, cho nên cái học-thuyết của Ngài để cái bản-thể của lý Thái-cực ra ngoài cái phạm-vi tri-thức của người ta mà chủ lấy cái động-thể của lý ấy làm tôn-chỉ. Vậy xét cái động-thể của lý Thái-cực để biết sự biến-hóa của trời đất và vạn vật, tức là cái tôn-chỉ Dịch-học.

Dịch là gì? Dịch là biến-đổi. Trong trời đất không có cái gì là không biến-đổi luôn. Đó là cái quan-niệm rất trọng-yếu của Khổng-giáo. Một hôm Phu-tử đứng trên bờ sông, ngắm dòng nước chảy mà than rằng: « Thệ