Trang:Nho giao 2.pdf/105

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

105
NHO-GIÁO


nghĩa hẹp chữ nhânái-nhân 愛 人 mà thôi, và ông lại không nhận có cái lương-tri, lương-năng của Mạnh-tử, thành thử cái khởi-điểm đã sai, thì cái học-thuyết có nhiều chỗ không đúng nữa. Bởi vậy hậu nho vẫn không nhận cái học của ông là chính truyền. Nhưng vì cái học ấy có ảnh-hưởng rất lớn với Nho-học về sau, cho nên ta phải chú-ý mà xét cho tường-tận.

Nay ta muốn biết rõ cái học của Tuân-tử sở đồng sở dị với cái học của Khổng-tử và Mạnh-tử là thế nào, ta nên xét trong sách Tuân-tử xem cái học ấy sở chủ ở những điều gì. Trừ ra cái học thượng-lễ, chính-danh và trọng vương khinh bá, vốn là ở trong phạm-vi của Nho-giáo, thì cái học của Tuân-tử có ba điều rất đặc-biệt: 1• Bất dữ thiên tranh chức; 2• Tính ác; 3• Pháp hậu vương.

Về đường triết-lý thì Tuân-tử cho Trời với người không quan-hệ gì với nhau, cho nên ông chỉ muốn biết việc người mà không muốn biết việc Trời. Về đường giáo-dục, thì ông cho tính người là ác, cho nên cần phải dùng lễ nghĩa để hóa dở ra hay. Về đường xã-hội và chính-trị, thì ông cho xưa nay vốn là một lý, chứ không có điều gì khác, vậy theo tiên vương thì xa quá, không biết rõ được các chế-độ, chi bằng cứ theo hậu vương mà làm.