Trang:Nho giao 2.pdf/111

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

111
NHO-GIÁO


lúc khởi, song bao giờ cũng có cái điều-quán ấy, cái lý phải có điều-quán thì mới không loạn, không biết cái điều-quán thì không biết ứng biến ». (Thiên-luận, XVII). Ý Tuân-tử nói rằng vạn vật sinh ra tuy là do ở Trời, nhưng vạn vật thành-tựu là do ở người, chứ không phải ở Trời. Nếu ta lại bỏ việc người mà cứ mong ở Trời, thì thành ra lao tâm khổ tứ mà vẫn không có ích gì.

Trời với vạn vật tuy có cái liên-lạc sinh-hóa, nhưng mỗi bên có một cái chức-vụ riêng. Vậy việc Trời và việc người không có quan-hệ gì với nhau cả. Ta biết như thế, thì dẫu có những điều quái lạ, ta cũng không lo sợ. « Sao sa, gỗ kêu, người ta lấy làm sợ, ấy là tại lẽ gì? — Không có lẽ gì cả. Đó là sự biến của trời đất, sự hóa sự âm dương, sự ít khi có của loài vật. Ta chỉ nên lấy làm lạ mà thôi, chứ sợ là không phải. Mặt trời, mặt trăng, có khi ăn lẫn nhau, mưa gió không phải thời, các sao lạ xuất-hiện ra, ấy là không đời nào không có. Người trên sáng suốt mà việc chính-trị hòa-bình, thì dẫu trong đời có đủ các điều ấy cũng không hại gì. Nguời trên mờ tối mà việc chính-trị hiểm-độc, thì tuy trong đời không sẩy ra điều gì lạ cả, cũng không có ích gì ». (Thiên-luận, XVII).