Trang:Nho giao 2.pdf/140

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

140
NHO-GIÁO


lấy con mắt trông mà biết nó khác nhau thế nào; thanh-âm trong đục và những tiếng lạ, thì lấy tai nghe mà biết nó khác nhau thế nào; mặn nhạt, chua cay và những vị lạ, thì lấy miệng nếm mà biết nó khác nhau thế nào; hơi thơm, hôi tanh, hăng nồng và những hơi lạ, thì lấy mũi ngửi mà biết nó khác nhau thế nào; đau ngứa, lạnh nóng, nhẵn ráp, nặng nhẹ, thì lấy hình thể sờ mó, cân nhắc, mà biết nó khác nhau thế nào; lời nói, việc làm, sự mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn, thì lấy tâm mà biết nó khác nhau thế nào.

« Tâm có cái trưng-tri 徵 知. Có trưng-tri thì rồi theo tai mà biết cái tiếng, theo mắt mà biết cái hình. Song cái trưng-tri của tâm phải đợi có thiên-quan ghi nhớ lấy các loài rồi sau mới biết. Nếu ngũ quan ghi nhớ lấy các loài mà không biết, tâm triệu-tập cả các loài mà không thuyết-minh ra được, thì người ta ai cũng bảo là không biết. Bởi cái duyên-cớ ấy cho nên phân-biệt cái đồng cái dị mà đặt ra tên để cho người ta hiểu ». (Chính-danh, XXII).

Đoạn này Tuân-tử giải nghĩa rõ cái tri-thức của người ta. Ông cho rằng ta sở dĩ biết cái tính-chất của ngoại vật là nhờ có sự cảm-giác của ngũ quan. Song trừ ra những lời nói, việc làm, và những sự mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, muốn, nếu tâm không