Trang:Nho giao 2.pdf/147

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

147
NHO-GIÁO


minh quân biết giữ cái danh phận cho rõ, mà không dùng sự biện-thuyết làm loạn danh ». (Chính-danh, XXII).

Cái học chính-danh của Tuân-tử tuy có nhiều điều rất tinh-tường, nhưng chỉ vì ông khuynh-hướng về mặt dùng thủ-đoạn chuyên-chế mà ngăn cấm những điều trái với sự công dụng thiển-cận, thành thử ông chủ-trương cái chính-sách chnyên-chế cho đời sau vậy.

Biện-luận. — Tuân-tử vốn là một nhà biện-thuyết, song ông cho là người biện-thuyết phải nói những điều đạo nghĩa, thì người ta mới nghe. Ông nói rằng: «Phàm lời nói mà không hợp đạo tiên-vương, không thuận lễ nghĩa, thì gọi là lời nói gian, tuy nói giỏi, người quân-tử không nghe. Noi đạo tiên-vương, thuận lễ nghĩa, thân-thiện với kẻ học-giả, thế mà không thích giảng thuyết, không vui về giảng thuyết, thì không phải là kẻ sĩ thành-thực mến điều lành vậy. Cho nên người quân-tử đối với sự đàm-thuyết, phải để cái chí mình thích về điều mình nói, và việc mình làm, yên về điều mình nói, mình vui mà nói. Bởi vậy người quân-tử tất là hay đàm-thuyết. Phàm người ta ai chẳng thích nói những điều mình đã mến chuộng mà người quân-tử lại thích hơn hết ». (Phi-tướng, V).