Trang:Nho giao 2.pdf/151

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

151
NHO-GIÁO


thuyết không thi-hành ra, thì làm sáng rõ cái đạo, mà lui mình ẩn ở chỗ cùng. Ấy là sự biện-thuyết của bậc thánh-nhân. Được cái tiết từ-nhượng, thuận cái lý lớn trẻ, những tên kỵ húy không gọi, lời quái gở không nói, lấy lòng nhân mà nói, lấy lòng mến học mà nghe, lấy công tâm mà biện-luận, không động về sự khen chê của nhân chúng, không lo làm cho đẹp mắt vui tai người nghe, không vị-nể cái quyền quí của kẻ quí-hiển, không ưa truyền-bá những lời thiên-lệch. Cho nên có thể ở chỗ đạo mà không hai lòng, bàn luận mà không ai cướp-lấn được, hòa mà không lưu đãng, quí cái công-chính mà rẻ cái bỉ-lậu và sự tranh dành. Ấy là sự biện-thuyết của kẻ sĩ và kẻ quân-tử vậy ». (Chính-danh, XXII).

Tuân-tử cũng như Mạnh-tử cho việc biện-thuyết là việc bất đắc dĩ, chứ không phải là cái chính đạo của thánh-nhân. Song vì thời-thế mà phải biện-thuyết. Tuy nhiên lời biện-thuyết của người quân-tử không như lời biện-thuyết của người ngu-hèn. « Lời người quân-tử nông mà tinh-tế, gần mà có thống-loại, so-le mà đều-đặn. Người quân-tử sửa cái danh cho chính, dùng lời nói cho đáng, để bộc-bạch cái chí nghĩa vậy. Danh từ của người quân-tử là cái sai-khiến của chí nghĩa, hễ cái sai-khiến ấy mà đủ thông-đạt cái lý, thì thôi. Nếu cái sai-khiến ấy mà cẩu-thả là gian vậy.