Trang:Nho giao 2.pdf/153

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

153
NHO-GIÁO


mà suy luận, thì tuy kém phần sâu xa, nhưng dễ hiểu và cái phương-pháp luận-lý lại sáng rõ hơn.

Xem cái lối biện-luận của Tuân-tử thì thấy rõ cái phương-pháp chứng-luận, cốt tìm cái long chính như đã nói ở mục Chính-danh, để làm chuẩn-đích. Ngôn luận điều gì phải lấy bậc thánh bậc vương làm thầy. Theo cái phương-pháp ấy tất là phải dùng phép diễn dịch mà suy luận, nghĩa là bất cứ điều gì cũng lấy cái chuẩn-đích đã nhận làm chứng-cứ, rồi cứ theo đó mà suy ra. Hễ hợp với cái chuẩn-đích ấy là phải, không hợp với cái chuẩn-đích ấy là trái. Tuân-tử nói rằng: « Bậc đại nho phải theo hậu-vương, tóm lễ nghĩa làm một, thống nhất chế-độ, lấy cái nông trì-thủ cái rộng, lấy đời nay trì-thủ đời xưa, lấy một mà trì-thủ vạn.... Những vật kỳ, những sự biến lạ, có khi chưa từng nghe thấy, hoặc chưa từng trông thấy, nhưng thốt nhiên khởi lên ở một chỗ nào, thì lấy thống loại mà ứng, ắt là không có điều gì ngừng-trệ, hổ thẹn, rồi mở phép ra mà đo lường, thì ám nhiên hợp như cái phù-tiết vậy ». (Nho-hiệu, VIII). Đại phàm lối luận-lý của Nho-giáo là theo phép diễn-dịch, chứ không mấy khi theo phép qui-nạp. Bởi chưng Nho-giáo thuộc về môn triết-học thuần lý, chỉ có phương-pháp ấy là thuận tiện hơn cả.