Trang:Nho giao 2.pdf/155

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

155
NHO-GIÁO


nhạc mà sửa cái tính ác cho thành tính thiện. Thành thử cái phương-pháp vẫn là một, mà cái mục-đích thì mỗi bên một khác.

Xét kỹ ra, thì cái học của Mạnh-tử có phần thắng-lợi hơn, là vì người ta thường tự tín mình thế nào, là rồi thành ra thế ấy. Mình tự tín mình là thiện, thì rồi thành ra thiện, mình tự tín mình là ác, thì rồi thành ra ác. Vậy nên ta phải nghĩ luôn đến cái phần thiện của ta, hơn là nghĩ luôn đến cái phần ác của ta. Nghĩ như thế, không phải là để tâng bốc cái trạng-thái hiện-tại của ta, nhưng cốt để cho ta khỏi thất-vọng về đường tiến-hóa. Cũng vì thế cho nên nói rằng: cái học của quân-tử phải chủ ở sự «thượng đạt». Đối với sự giáo-dục, không gì lợi cho sự tiến-hóa bằng cái chủ-nghĩa lạc-quan, nó làm cho người ta có cái lòng tự tín ở bản-thể của mình, và không gì hại bằng cái chủ-nghĩa bi-quan, nó làm mất cái lòng tự tín ấy. Cái lý-tưởng cực cao là để khiến người ta có thể lúc nào cũng cho mình vốn là hoàn-toàn, thì rồi mới cố gắng mà tiến lên đến chỗ thật hoàn-toàn, chứ đã cho mình là hèn-hạ tàn-ác, thì còn tiến-hóa làm sao được. Thành thử cái thuyết tính ác của Tuân-tử vẫn khiên cưỡng, bởi thế hậu-nho bỏ cái thuyết ấy mà theo cái thuyết tính thiện của Mạnh-tử, tưởng cũng đã nghĩ xác lý lắm vậy.