Trang:Nho giao 2.pdf/157

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

157
NHO-GIÁO


thì sau mới thành, nghĩa là mới uốn nắn được cái bản tính, thế gọi là ngụy ».

Nói tóm lại, tính là tự nhiên của Trời sinh ra, ngụy là cái phải dùng nhân-lực mà làm ra. Cho nên mới nói rằng: « Tính giả bản thủy tài phác giã, ngụy giả văn lý long thịnh giã 性 者 本 始 材 樸 也,僞 者 文 理 隆 盛 也: Tính là cái bản thủy sẵn có cái bản-năng chất-phác, ngụy là cái văn lý long-thịnh vậy ». (Lệ-luận, XIX).

Xem câu « Tính là do cái hòa khí xung-hợp mà ra », thì hiểu rõ là Tuân-tử nói cái tính khí-chất, không phải như Mạnh-tử nói cái tính là phần thiên lý của Trời phú cho người. Cái nghĩa chữ tính của mỗi người một khác, cho nên cái học-thuyết cũng khác nhau vậy.

Tuân-tử lấy lẽ gì mà cho là tính ác? Ông nói rằng: « Nay cái tính của người ta sinh ra là có hiếu lợi, thuận cái tính ấy thì thành ra sự tranh-đoạt, mà sự từ-nhượng không có vậy; sinh ra là có đố-kỵ, thuận cái tính ấy thì thành ra tàn tặc, mà lòng trung tín không có vậy; sinh ra là có lòng muốn của, tai mắt có cái thích về thanh sắc, thuận cái tính ấy là thành ra dâm-loạn, mà lễ-nghĩa văn-lý không có vậy. Thế thì theo cái tính của người ta, thuận cái tính của người ta, ắt là sinh ra sự tranh-đoạt, hợp với việc phạm