Trang:Nho giao 2.pdf/181

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

181
NHO-GIÁO


cứ cẩn-thận mà làm, thế gọi là đạo hiếu vậy » (Tử-đạo, XXIX).

Người học-giả phải biết rõ những điều phải trái. Dẫu cái đức tốt thế nào mà mình không biết dùng cho hợp đạo lý, thì cũng thành ra dở. Người quân-tử sở dĩ khác kẻ tiểu-nhân chỉ có sự biện-biệt rõ cái đáng làm và không đáng làm đó mà thôi.

Lễ nhạc. — Hậu-nho thường cho cái học của Tuân-tử thiên về mặt thượng-lễ. Mới nghe tưởng là lời ấy không được đúng, vì Nho-giáo bao giờ cũng lấy lễ nhạc làm trọng, chứ không riêng gì cái học của Tuân-tử. Song xét ra thì lời phê-bình ấy cũng không phải là lầm hẳn, vì chưng Tuân-tử đã xướng lên cái thuyết tính-ác, thì tất là về đường giáo-dục, phải dùng lễ nghĩa để kiểu-sức cái bản-tính và dùng âm-nhạc để hàm-dưỡng cái tình-dục của người ta. Tuân-tử lại quá thiên về mặt dùng lễ nghĩa. Ông nói rằng : « Lễ giả nhân đạo chi cực giã 禮 者 人 道 之 極 也: Lễ là cái cùng-cực của đạo người vậy » (Lễ-luận, XIX). Tu thân, trị quốc, việc gì ông cũng lấy hai chữ long lễ 隆 禮 làm đầu. Bởi vậy cái học của ông thành ra một mối cực-đoan trái với cái học của Khổng-tử.