Trang:Nho giao 2.pdf/195

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

195
NHO-GIÁO


tốt đẹp cho đấng nhân-quân là làm cho tốt đẹp cái gốc của thiên-hạ, làm cho yên đấng nhân-quân là làm cho yên cái gốc của thiên-hạ, làm tôn-quí đấng nhân-quân là làm tôn-quí cái gốc của thiên-hạ. Vì đời xưa đấng tiên-vương muốn phân-biệt ra để làm cho có đẳng-cấp, cho nên hoặc cho là đẹp, hoặc cho là xấu, hoặc cho là hậu, hoặc cho là bạc, hoặc cho là nhàn, hoặc cho là vui, hoặc cho là khó nhọc, không phải là chỉ cốt để bay-vẽ, khoe-khoang, mà cốt để làm cho rõ cái văn-vẻ của đạo nhân và thông-đạt sự hòa-thuận của đạo nhân vậy. Chạm loài gỗ, khắc loài kim, làm ra có sắc có vẻ là chỉ để biện-biệt kẻ quí kẻ tiện mà thôi, chứ chính mình không cầu lấy sự đẹp để lòe người; làm ra cái chuông, cái trống, cái sáo, cái khánh, đàn cầm đàn sắt, cái sênh, để biện-biệt việc lành việc dữ, để hợp sự vui, định sự hòa mà thôi, chứ chính mình không cầu lấy cái sướng quá độ; làm ra cung thất, đền đài, cốt để tránh lúc khô lúc ẩm và nuôi cái đức tính, biện cái khinh cái trọng mà thôi, chứ chính mình không cầu cái đẹp ở bề ngoài... Nếu dùng nhiều sắc đẹp để làm đồ mặc, dùng nhiều mùi ngon để làm đồ ăn, dùng tài vật để chế ra đồ-đạc, hợp thiên-hạ mà làm chủ, là không phải để bày-vẽ ra cho sang, cho sướng, nhưng cốt để làm chủ-tể thiên-hạ, cai-trị muôn vật, nuôi muôn dân.