Trang:Nho giao 2.pdf/214

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

214
NHO-GIÁO


hiểu rõ cái ứng-dụng lớn của sự học-vấn, rất cần cho sự tiến-hóa chính-đáng của xã-hội.

Muốn cho sự tiến-hóa mỗi ngày một hơn lên, thì cần phải có cái học cao viễn hoằng đại, chứ nếu đã bó-buộc nhân trí và một cái khuôn nhất-định, nhỏ hẹp không bao giờ được thay đổi, thì nhân trí còn mở-mang ra sao được? Cái lối chuyên-chế nhỏ hẹp ấy dù có lợi nữa, thì cũng chỉ lợi được một thời, mà cái hại đến mấy mươi đời.

Cái học của Tuân-tử sở dĩ kết-quả thành ra cái chủ-nghĩa hẹp-hòi về công-dụng và cái chính-sách chuyên-chế, là căn-bản ở cái thuyết tính ác. Đã cho cái tính người ta là ác, thì tất-nhiên phải dùng cái chính-sách chuyên-chế mà trừng-trị. Đó là vì Tuân-tử không đạt tới cái lý siêu-việt hình-nhi-thượng và lại kíp về việc cứu thời, cho nên mới lập ra cái thuyết ấy. Hậu-nho lấy điều ấy mà chê Tuân-tử, nhất là đến đời Tống, các nho-giả công-kích cái thuyết tính ác kịch-liệt hơn nữa, thật là không lầm vậy.

Xét kỹ về đường thực-dụng, thì Mạnh-tử và Tuân-tử, tuy mỗi người có một cái ý-kiến cao thấp khác nhau, nhưng hai người cùng theo một cái mục-đích: Mạnh-tử nói tính thiện là khuyên người ta làm điều lành, mà Tuân-tử nói tính ác là răn người ta làm điều ác. Hai ông đều có ý khuyến-miễn người ta