Trang:Nho giao 2.pdf/216

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

216
NHO-GIÁO


Nay ta đã xét rõ cái học của Tuân-tử, ta có thể nói rằng cái học ấy không phải là không có giá-trị, song kẻ học-giả cần phải biết cái nên lấy, cái nên bỏ. Phần nên lấy cũng khá nhiều, mà phần nên bỏ thì có mấy điều trọng-yếu ta đã kể rõ, để ai xem thì nên chú ý mà xét cho kỹ. Bởi vì cái học của ông bỏ mất phần hình-nhi-thượng và thiên về cái thuyết tính ác, chú-trọng về đường công-dụng, cho nên về sau môn-đệ của ông là bọn Hàn Phi và Lý Tư lại càng thiên về mặt hình-pháp và mặt công-dụng rất hẹp-hòi. Đó có lẽ là vì thời thế xui khiến ra như thế, song cũng bởi cái học của Tuân-tử không đạt tới chỗ cao-siêu, và bởi họ Hàn và họ Lý học kém hơn nữa, cho nên mới bị tế-tắc về đường công lợi mà bỏ mất cái học công-chính và hoằng-đại của Khổng-giáo vậy.