Trang:Nho giao 2.pdf/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

22
NHO-GIÁO


của thánh-nhân vậy. Nay ta nhờ có sách ấy mới biết rõ cái học-thuyết của Khổng-tử và mới hiểu cái vi ý của Ngài về các sự-lý. Thật là quyển sách rất quí của Nho-giáo. Song học giả phải lập chí học mà suy nghĩ cho kỹ, thì mới biết là hay, và sự học đạo của thánh hiền mới có ích lợi. Trình Y-xuyên đời Tống nói rằng: « Có người đọc xong sách Luận-ngữ rồi sau không thấy gì cả, có người đọc xong rồi sau thích một vài câu, có người đọc xong rồi sau lấy làm thích lắm, có người đọc xong rồi thích đến nỗi múa tay múa chân lên mà không biết ». Ông lại nói rằng: « Ai đọc xong sách Luận-ngữ mà vẫn còn những tính nết như trước khi chưa đọc, thì người ấy chưa hiểu đọc sách vậy ».

Đại-học 大 學. — Sách này với sách Trung-dung khi xưa vốn là hai thiên chép ở trong sách Lễ-ký. Đến đời Tống, các nho-gia mới đem in riêng ra để cùng với sách Luận-ngữ và sách Mạnh-tử làm bốn sách gọi là Tứ-thư.

Cứ theo ý-kiến của các nhà nho-học xưa nay, thì thiên Đại-học là của Tăng-tử giải-diễn mấy lời của Khổng-tử truyền lại. Khổng-tử nói rằng: « Đại-học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí-