Trang:Nho giao 2.pdf/25

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

25
NHO-GIÁO


Suốt tới chỗ uyên-thâm của sự-vật, thì sau mới biết đến chỗ cùng-cực; biết đến chỗ cùng-cực, thì sau cái ý mới tinh-thành; cái ý đã tinh-thành, thì sau cái tâm mới chính; cái tâm đã chính, thì sau cái thân mới tu; cái thân đã tu, thì sau nhà mới tề; nhà đã tề, thì sau nước mới trị; nước đã trị thì sau thiên-hạ mới bình.

Từ đấng thiên-tử cho đến kẻ thứ-nhân, ai cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc. Cái gốc loạn mà cái ngọn trị thì chưa có vậy; cái gốc mình đáng hậu mà bạc, cái ngọn mình đáng bạc mà hậu, là chưa có bao giờ ».

Tăng-tử đem những lời trong kinh Thư và kinh Thi mà diễn thêm cho rõ cái ý của Khổng-tử vừa nói ở trên để dạy học-trò. Sau khi ông mất rồi, học-trò ông mới chép ra thành mười chương nữa. Trong mười chương ấy thì bốn chương đầu nói tóm ba cái cương-lĩnh là minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện, còn sáu chương sau nói kỹ tám điều-mục là cách vật, trí tri thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chương thứ năm thích rõ nghĩa sự cách vật và trí tri, song chương ấy về sau mất mất, người ta đem cái ý của Trình-tử đời nhà Tống mà bổ thêm vào. Chương thứ sáu nói sự giữ cái ý của mình cho thành.