Trang:Nho giao 2.pdf/34

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

34
NHO-GIÁO


nhân nghĩa, để khiến cho cả thiên-hạ được bình-trị, và lại tán-dương cái công-hiệu linh-diệu của đạo ấy cho đến chỗ tinh-thần vô thanh, vô sắc, mới thôi. Thật là một quyển sách triết-lý rất cao, tưởng các sách đời cổ truyền lại chưa có sách nào bàn đến cái lý-học siêu-việt như thế.

Giá hậu-thế cứ theo cái ý-nghĩa trong sách Trung-dung mà bồi-bổ và khoáng-trương cái phần thuần-lý triết-học ra, thì có lẽ Nho-giáo thành ra một môn triết-học uyên-áo vô cùng. Nhưng vì cái tính-cách người Tàu quá thiên về đường thực-tế, các học giả thường chỉ chuyên trị những việc chính-trị và những sự thực-hành luân-lý, cho nên cái học của Nho-giáo càng ngày càng thấp xuống. Ấy cũng là một điều đáng tiếc cho sự học ở phương Đông ta vậy.