Trang:Nho giao 2.pdf/75

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

75
NHO-GIÁO


làm vua mà không hiểu rõ cái nghĩa-vụ ấy là làm việc trái lòng dân, tức là trái mệnh Trời. Người giữ quyền trị dân mà chỉ dùng mãnh-lực để áp-chế dân, là không có nghĩa lý gì chính đáng cả.

Bởi cái tư-tưởng ấy, cho nên trong cái chính-trị triết-lý của Mạnh-tử có cái tinh-thần duy dân. Phàm cái chính-trị đã có cái tinh-thần duy dân, thì việc trị dân trị nước chỉ có phép công là trọng hơn cả, dẫu ai có quyền thế to thế nào cũng không ra ngoài phép công được. Phép công đã định, thì vua quan cho chí người thường dân không ai được vượt qua mà làm điều trái phép. Vì lẽ ấy cho nên Đào-Ứng là môn-đệ Mạnh-tử hỏi răng: « Vua Thuấn làm thiên-tử, Cao-Dao làm quan sĩ, Cổ-Tẩu giết người, thì làm thế nào? » — Mạnh-tử trả lời rằng: « Cứ việc bắt Cổ-Tẩu mà thôi. » — « Vậy thì vua Thuấn không cấm ạ? » — « Vua Thuấn cấm sao được. Phép truyền thụ đời nọ qua đời kia là phép công vậy. ». (Tận-tâm, thượng). Đã có phép công, thì thiên-tử cũng không thể lấy quyền thế mà bỏ được. Người làm quan giữ phép cứ theo phép mà trị tội, dẫu người có tội là ông Thái-thượng-hoàng cũng không tha. Ấy thế mới là công. Theo cái lý-tưởng ấy thì rõ là Mạnh-tử phát-minh ra chủ-nghĩa bình-đẳng trong luật pháp.