Trang:Nho giao 3.pdf/103

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

103
NHO-GIÁO


đặt chức hương-hào, để coi việc tuyển-cử. Mỗi châu cử hai người, quận lớn cử một người. Được ít lâu lại bỏ lệ ấy mà đặt lại chức trung-chính.

Ở Bắc-triều nhà Hậu-Ngụy cũng theo cái chế-độ của nhà Tào-Ngụy và nhà Tấn, đặt quan trung-chính ở các châu quận để coi việc tuyển-cử. Sau vì có nhiều điều bậy, lại bỏ đi. Đến nhà Bắc-Tề lại lập lại, để lấy tú-tài và liêm-lương. Nhà Bắc-Chu cũng theo lối ấy: quận cử hiếu-liêm một người, châu cử tú-tài một người. Ai là người minh kinh tu hạnh, thì được hiếu-liêm, ai là người cao tài bác học, thì được tú-tài.

Từ nhà Tào-Ngụy, nhà Tấn đến các nhà trong đời Nam-Bắc-triều, cách tuyển-cử đại lược giống nhau cả. Song sự tuyển-cử như thế vẫn có nhiều điều tệ: những kẻ tham lợi lộc, không chịu học tập, chỉ tìm cách luồn-lọt vào cửa quyền-môn để chóng được cất-nhắc, thành ra sự học càng ngày càng kém.

Học phong và danh nho. — Sự Nho-học trong thời-đại Tam-Quốc và Lục-Triều vẫn theo lối huấn-hỗ đời Hán. Những học-giả có danh-tiếng đều là người làm văn giỏi, chứ không ai thật có tư-tưởng trác-lạc, có thể làm đại-biểu được cho Nho-giáo.