Trang:Nho giao 3.pdf/109

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

109
NHO-GIÁO


kẻ sĩ đều phải học theo cái nghĩa đã định ở trong những sách ấy, chứ không được học theo lời chú-thích của người khác. Sự học bó-buộc như thế, cho nên thành ra không tiến-hóa được. Đời bấy giờ tuy cũng có một vài người không theo cái học ấy, như Lý Đỉnh-Tộ 李 鼎 祚 làm sách Chu-Dịch tập-giải 周 易 集 解, Lục Thuần 陸 淳 làm sách Xuân-thu tập-truyện 春 秋 集 傳, song người đời không ai theo. Bởi vậy Nho-giáo đời nhà Đường thì thật thịnh mà cái tinh-thần của Nho-học thì rất suy.

Sự mở-mang Nho-học.— Nhà Tùy lúc đầu mới định xong thiên-hạ, liền mở nhà Thái-học, Quốc-tử-học, Tứ-môn-học ở kinh-sư, và mở nhà học nhà hiệu ở các châu-quận. Sau thấy học-sinh rất nhiều, mà sự học không tinh, bèn bỏ hết các nhà học, chỉ đặt chức Thái-học bác-sĩ hai người và đệ-tử 72 người mà thôi. Đến khi vua Đạng-đế lên ngôi, lại mở ra các nhà học như trước. Được mấy năm nước Tàu loạn, việc học lại bỏ cả.

Nhà Đường theo lối nhà Tùy đặt ra Quốc-tử-giám để coi việc học-chính, có quan Quốc-tử tế-tửu làm đầu và quan tư-nghiệp làm phó, quản-lĩnh tất cả sáu học-quán.