Trang:Nho giao 3.pdf/144

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

144
NHO-GIÁO


nhân nghĩa lễ trí, không thiết gì đến pháp-luật chế-độ, miễn là được thanh-tĩnh vô-vi thì thôi. Phật-giáo thì cho vạn tượng là do Chân-như mà ra, sắc với không cùng là một, sự sinh sinh hóa hóa là cái vọng-niệm, chứ không phải là thực. Cái thực là Chân-như. Khác nào như trăm nghìn ngọn sóng sôi nổi ở trên mặt nước, nhưng chung qui vẫn chỉ có nước là thực. Người ta phải tìm cho thấy cái thực ấy mà quay trở về gốc cũ, để ra thoát khỏi vòng sinh tử, tức là đến nát-bàn, hết cả mọi sự khổ não. Nho-giáo thì cho sự biến-hóa ở trong Vũ-trụ là do sự nhất động nhất tĩnh của Thái-cực mà sinh ra. Vạn vật đã phát hiện ra là thực có, thì chi bằng cứ theo cái thực ấy mà hành-động mà sinh-tồn. Sự sinh-tồn của vạn vật không ra ngoài được những điều nhân, nghĩa, lễ, trí, tức là nguyên, hanh, lợi, trinh, của tạo-hóa. Vậy nên người ta ai cũng phải theo những điều ấy mà an vui trong cuộc sinh hóa. Thành thử cái gốc vốn là một, mà cái ngọn thì chia ra khác nhau. Bởi cái tư-tưởng khác nhau như thế, cho nên Lão-giáo và Phật-giáo thì theo cái chủ-nghĩa tiêu-cực, thành ra cái đạo « xuất thế ». Nho-giáo thì theo cái chủ-nghĩa tích-cực, thành ra cái đạo « nhập thế ». Sự đồng dị của ba cái học ấy là căn-nguyên ở đó vậy.