Trang:Nho giao 3.pdf/146

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

146
NHO-GIÁO


đã hiểu rõ cái đạo của thánh hiền. Muốn biết cái học của Tống nho thật không trái với cái học Khổng Mạnh, thì cứ xem các lý-thuyết của những học-giả thời bấy giờ đều uyên-nguyên cả ở trong các Kinh, Truyện, chứ không có điều gì là bịa đặt ra cả. Nếu về phần hình-nhi-thượng mà có chỗ thấy Tống nho khác với Khổng-học nữa, thì cũng chỉ khác ở trong khoảng hào ly mà thôi, chứ không đến nỗi sai lầm hẳn. Chỉ có chỗ sai lầm quan-hệ hơn cả là chỗ hình-nhi-hạ. Vì cái cách hành đạo của Tống nho có nhiều chỗ không đúng với cái tinh-thần của Khổng-học. Đó là bởi cái học thượng-lễ của Trương Hoành-cừ, Trình Y-xuyên và Chu Hối-am mà thành ra vậy. Song xét cái đại-cương, thì về đường học-vấn, Tống nho thật đã đạt tới cái phần uyên-thâm của Nho-giáo, và đã có công làm cho sáng rõ phần ấy ra. Như thế, thì nói rằng Tống nho nối được đạo thống của Khổng Mạnh, tưởng không phải là lầm vậy.

Phái lý-học đời nhà Tống theo cái tôn-chỉ của Nho-giáo, lấy cái tính bản-nhiên của trời đất làm cái thể của vạn vật, tức là theo cái thuyết « thiên địa vạn vật nhất thể » làm cái đạo nhất-quán. Phái ấy đem lý Thái-cực vào trong lòng người ta mà mở rộng ra, để bao-quát được cả Vũ-trụ. Cái lý-thuyết ấy tuy trước Dương Hùng đã nói ở sách Thái-huyền,