Trang:Nho giao 3.pdf/202

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

202
NHO-GIÁO


trong là phải, thì chi bằng quên cả trong ngoài là hơn. Quên cả hai bên, thì thật là trừng-nhiên vô sự vậy. Vô sự thì định, định thì sáng, sáng thì còn có sự ứng vật nào làm lụy được nữa. Sự mừng của thánh-nhân là bởi vật đáng mừng mà mừng, sự giận của thánh-nhân là bởi vật đáng giận mà giận, thế là sự mừng sự giận của thánh-nhân không hệ ở tâm mà hệ ở vật vậy. Xem như thế thì thánh-nhân há lại không lấy vật làm gốc hay sao? Vậy thì sao lại cứ cho theo cái ở ngoài là trái, mà tìm cái ở trong là phải? Nay lấy cái mừng cái giận của sự tự-tư và dụng-trí mà so với cái mừng giận chính-đáng của thánh-nhân, thì biết nó khác nhau thế nào. Trong thất tình của người ta, thì có cái giận là dễ phát ra mà khó chế hơn cả. Nếu đang cơn giận mà có thể quên ngay được cái giận để xem cho rõ lẽ phải trái, thì cũng đủ hiểu rằng cái ngoại-dụ không đáng ghét, mà về phần đạo-lý cũng có thể nghĩ thấu được quá nửa vậy. »

Trình Minh-đạo nối được cái học của Chu Liêm-khê, rất ung-dung và có cái thú vui về đạo. Ông thấy rõ cái tôn-chỉ thiên-địa-vạn-vật-nhất-thể của Nho-giáo, lấy nhân làm gốc, lấy thành và kính mà giữ cái tâm. Nhân thì tự-nhiên có cái minh-giác để đối phó với mọi sự vật không sai lầm được, thành thì biết